Hiển thị các bài đăng có nhãn kháng sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kháng sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Thuốc chống động kinh dùng không đúng gây tử vong?

Hiện nay có lời đồn đại về thuốc chống động kinh như: “Thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng”, thậm chí: “Thuốc chống động kinh dùng thế nào đó có thể gây tử vong!”. điều này làm cho người bệnh động kinh hay người thân của họ không an tâm cho dùng thuốc chữa bệnh. Thực hư như thế nào?

Động kinh là sự rối loạn chức năng thần kinh trung ương theo từng cơn do có sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Trong dân gian còn gọi động kinh là kinh phong, phong xù, kinh giật. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân động kinh có thể bình phục gần như hoàn toàn, hòa nhập tốt với xã hội và có cuộc sống ổn định.

Thuốc chống động kinh còn gọi là thuốc chống co giật được dùng hiện nay rất đa dạng. Việc lựa chọn thuốc điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân.

Mục tiêu của điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn, với việc giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các thuốc chống động kinh không điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh, nhưng nếu dùng thuốc trong thời gian dài, khi ngừng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Nhưng để kiểm soát tốt thường là phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời. Còn nếu để tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có các nguy cơ: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bị cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật và có thể tử vong.
Tùy vào thời điểm ra đời có thể chia thuốc chống động kinh ra 2 nhóm
- Thuốc thế hệ cũ, ra đời các nay đã lâu đời (như phenobarbital lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1912), gồm có: phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, acid valproic hay valproat…
- Thuốc thế hệ mới, ra đời trong thời gian gần đây (như: pregabalin được sử dụng vào năm 2004), gồm có: gabapentin, lamotrigin, oxcarbazepin, topiramat, levetiracetam, pregabalin…
Thuốc chống động kinh mới hơn có xu hướng ít tác dụng phụ hơn nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc hơn các thuốc cổ điển. Bởi vì, sự lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, có bệnh nhân lại thích hợp với thuốc cổ điển hơn. Cả hai loại thuốc mới và cũ thường hiệu quả như nhau trong bắt đầu điều trị động kinh.
Người nhà nên giúp người bệnh tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Người nhà nên giúp người bệnh tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Trên các phương tiện thông tin đại chúng có khi nhận định chưa đúng khi nói về thuốc chống động kinh như: "thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng". Ngoại trừ người ta dùng Gardenal (tên biệt dược trước đây của phenobarbital) dùng liều rất cao để tự tử, cho tới nay chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy dùng thuốc chống động kinh ở liều điều trị lại làm cho bệnh nhân tử vong. 
Gardenal cũng là thuốc gây tác dụng phụ có hại vào loại bậc nhất của nhóm thuốc chống động kinh (như gây dị ứng nặng là hội chứng Lyell có thể đưa đến tử vong) và nay gần như không còn được dùng trị động kinh nữa. 
Các thuốc chống động kinh khác đang được sử dụng hiện nay đều không thỏa mãn tiêu chí đồn đại: "thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng", cho nên người bệnh có thể an tâm dùng thuốc chữa bệnh.
Còn thắc mắc: "thuốc chống động kinh dùng không đúng gây tử vong" thì thế nào? Dùng không đúng thuốc chống động kinh có 2 trường hợp. Nếu dùng liều thuốc thấp không đủ thì nồng độ thuốc có trong cơ thể người bệnh dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc sẽ làm cho người bệnh phát bệnh lên cơn động kinh. Còn nếu dùng liều thuốc quá cao sẽ đưa đến ngộ độc thuốc đưa đến bị các rối loạn, như quá liều valproat có thể gây ngủ gà, blốc tim và hôn mê sâu; nếu được cấp cứu kịp sẽ chữa khỏi. Chỉ trừ trường hợp dùng thuốc trị động kinh có khoảng cách an toàn hẹp (khoảng cách giữa liều điều trị và liều chết quá nhỏ) như Gardenal thì dùng liều quá cao sẽ bị tử vong ngay (chính vì thế mà trước đây người ta hay dùng Gardenal để tự tử).
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống động kinh cho người bệnh luôn lưu ý
- Khởi động việc điều trị chỉ bằng một thuốc. Bởi vì sử dụng phối hợp hai thuốc ngay từ đầu, nếu không có hiệu quả thì khó lòng có thể đánh giá được thuốc nào là thuốc không tác dụng.
- Khởi đầu bằng liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, tức liều có tác dụng ngăn chặn cơn động kinh xảy ra. Tránh dùng liều cao ngay từ đầu vì sẽ gây ra tác dụng phụ có hại.
- Uống đủ liều và liên tục trong thời gian mà bác sĩ chỉ định. Không được dừng bỏ thuốc, thậm chí chỉ một lần bỏ uống thuốc trong ngày. Chỉ cần bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc. Và bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn nếu bỏ thuốc như vậy.
- Sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn, bác sĩ tiến hành cho việc ngừng thuốc. Trước khi ngừng, phải giảm liều thuốc dần dần mà không dừng thuốc đột ngột. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây động kinh tái diễn, động kinh xuất hiện mau hơn và cả động kinh kháng trị. Trước khi ngừng hẳn thuốc phải có thời gian giảm liều từ từ, kéo dài trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì lại phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại thuốc này. Như vậy, có khi người bệnh phải dùng thuốc kéo dài mãi.


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Thuốc mới điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa thông qua thuốc viên nang vraylar (cariprazine) để điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực ở người lớn.
Tâm thần phân liệt là một rối loạn não mãn tính, nghiêm trọng. Thông thường, các triệu chứng phát hiện đầu tiên ở người lớn dưới 30 tuổi. Người bệnh có các biểu hiện như cho rằng ý nghĩ của mình bị phát thanh, ý nghĩ của mình bị người khác biết, hoặc họ đọc được ý nghĩ của mình; Nghi ngờ có người điều khiển chi phối, kiểm tra; bị theo dõi, ám hại hay đầu độc mình, ghen tuông vô lý; Cho mình có khả nǎng đặc biệt, có quyền lực như siêu nhân có khả nǎng làm được những việc kỳ lạ, là người nhà trời, điều khiển được mưa gió; Nghi ngờ mình mắc bệnh nặng như ung thư, lao, HIV, giang mai, tim mạch, mà thực tế không bị bệnh gì; Nghĩ rằng mình có những khuyết điểm lớn, có tội phải bị trừng phạt nặng nề; Bệnh nhân nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những gì mà người khác không thấy (không có trong thực tế)….
Rối loạn lưỡng cực, còn được gọi là bệnh hưng-trầm cảm, là một rối loạn não bộ gây ra những thay đổi bất thường trong tâm trạng, phạm vi từ mức thấp của trầm cảm đến mức cao của hưng cảm. Khi trở nên chán nản, có thể cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng và mất hứng thú, niềm vui trong hầu hết các hoạt động. Khi tâm trạng thay đổi theo một hướng khác, có thể cảm thấy phấn khích và tràn đầy năng lượng. Thay đổi tâm trạng có thể xảy ra chỉ một vài lần một năm, hoặc thường xuyên nhiều lần trong ngày. Trong một số trường hợp, rối loạn lưỡng cực gây ra các triệu chứng của trầm cảm và hưng cảm cùng một lúc.
Hiệu quả của Vraylar trong điều trị tâm thần phân liệt đã được chứng minh trong 1,754 người tham gia trong ba thử nghiệm lâm sàng trong sáu tuần. Trong mỗi thử nghiệm, Vraylar đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt so với giả dược. Hiệu quả của Vraylar trong điều trị rối loạn lưỡng cực được thể hiện trong ba tuần thử nghiệm lâm sàng trên 1.037 người tham gia. Vraylar đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực trong từng thử nghiệm.
Tuy nhiên, Vraylar và tất cả các loại thuốc khác đã được FDA chấp thuận dùng để điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực cần có một cảnh báo đóng hộp, cảnh báo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về tăng nguy cơ tử vong liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc này ở những người lớn tuổi có rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất được báo cáo trong thử nghiệm lâm sàng đối với tâm thần phân liệt là triệu chứng ngoại tháp như run, nói lắp, và rung giật cơ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất được báo cáo bởi những người tham gia thử nghiệm điều trị Vraylar cho rối loạn lưỡng cực là các triệu chứng ngoại tháp,khó tiêu, nôn, mất ngủ và bồn chồn…

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Những loại thuốc gây "hỏng" thận

Có rất nhiều thuốc có thể làm hại thận cấp tính hoặc mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ là nhiều khi thuốc làm hại thận từ từ, không dễ gì phát hiện từ lúc đầu và đến khi phát hiện thì thận đã bị thuốc làm suy ở mức độ rất nặng, thậm chí phải chạy thận nhân tạo.
Thông thường để phát hiện thận bị suy, người ta làm xét nghiệm đo creatinin máu. Nhiều thuốc chỉ mới ảnh hưởng nhẹ đến chức năng thận đã làm tăng creatinin máu, nhưng có nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì đã làm thận suy rất nặng.
Ảnh minh họaThuốc gây hại thận. Ảnh minh họa.
Các thuốc gây hại thận :

Thuốc kháng sinh:
- Aminoglycosid như neomycin, gentamycin, amikacin, tobramycin, streptomycin là nguyên nhân hàng đầu gây creatinin máu tăng, dấu hiệu quan trọng của suy thận.
- Cephalosporin thế hệ 1 như cefadroxyl, cefalexin, cefalotin, cefazolin gây nhiễm độc ống thận.
- Polypeptid như polymixin, colistin có độc tính cao với thận.
- Quinolon: Các fluoroquinolon như ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin đều gây tăng creatinin máu. Khi sử dụng cần dựa vào mức lọc cầu thận để chọn liều.
- Amphotericin B là thuốc kháng nấm tác động lên lipid ở màng tế bào biểu mô ống thận gây độc thận, nhiễm toan ống thận, đái tháo nhạt do thận.
- Ức chế men chuyển (captopril, ednyt, renitec…) và kháng thụ thể AT1 (aprovel, micardis, cozaar…) gây tăng creatinin máu. Chống chỉ định trong hẹp động mạch thận.
Thuốc hóa trị liệu chống ung thư:
- Cisplatin gây suy thận cấp và hạ magnesi máu.
- Methotrexat gây kết tủa, tắc lòng ống thận.
- Sulfamid gây kết tủa các tinh thể trong lòng ống thận.

Thuốc cản quang iod hóa trị 2, hóa trị 3 (urographin, telebrex…) gây sốc phản vệ, tắc mạch vì gây độc trực tiếp lên nhu mô thận hoặc co động mạch thận.
Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin A, azathioprin, mycophenolat mofetil… cần chỉ định đúng, theo dõi cẩn thận.
Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid:
-Indometacin, phenylbutazon, naproxen gây viêm kẽ thận mạn.
-Paracetamol ngoài suy gan có thể gây hoại tử ống thận cấp, suy thận cấp.
Thuốc điều trị bệnh tâm thần Lithium.
Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc độc cho thận khi có thuốc khác thay thế. Ví dụ như: không dùng các aminoglycosid, amphotericin, cisplatin, mesalazin, các NSAID, penicilamin và vancomycin… là các thuốc hại thận rất mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, ngoài gây hại thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như: carbenoxolon, indomethacin. 
Ở người bệnh suy tim sung huyết, việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. 
Dùng digoxin ở người suy thận nặng sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết. Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali như: amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận. 
Dùng thuốc kháng tiết cholin như: atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và đái không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận - tiết niệu.
Thuốc hại thận ở đây còn có thể hiểu là thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng thận, như: có thuốc gây dương tính giả xét nghiệm độ đục nước tiểu (turbidimetric test): tolbutamid, kháng sinh penicillin, cephalosporin (liều cao), sulfisoxazol...; có thuốc làm tăng creatinin máu do cạnh tranh bài tiết ở niệu quản: triamteren, amilorid, trimethoprim, cimetidin, hoặc làm tăng creatinin máu trong xét nghiệm theo phương pháp Jaffe: vitamin C, kháng sinh cephalosporin.
Doluôn luôn có nguy cơ "thuốc hại thận", nên phải xem việc dùng thuốc là rất hệ trọng. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về các dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ có hại của thuốc (trong đó có tác dụng hại thận). 
Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất đến bác sĩ khám để có cách xử trí đúng đắn, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi, tốt nhất nên dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons